PHP: Tâm Sự Của Một “K Nhân” Ung Thư Vì Hút Thuốc Lá

Tâm Sự Của Một “K Nhân” Ung Thư Vì Hút Thuốc Lá

Chủ nhật - 03/03/2019 15:30
Tôi không có ý nghĩ đây sẽ là kinh nghiệm cho ai, mà đơn giản chuyển tới các bạn một thông điệp: “K nhân” sẽ chiến thắng, vì bạn kiên định, bạn tin tưởng, bạn thông thái, bạn dũng cảm, bạn phối hợp với bác sĩ và không thỏa hiệp với K. Bạn thực sự muốn mang lại hạnh phúc cho những người yêu mến, ủng hộ bạn, ngóng chờ bạn thông báo rằng: Bạn đã điều trị thành công!
Bệnh nhân: Phạm Quang thắng Ung thư thanh quản
Bệnh nhân: Phạm Quang thắng Ung thư thanh quản
Phần 1: “Cuộc chiến” không mong muốn
*******

Video chia sẻ của bệnh nhân ung thư Phạm Quang thắng
 
Tôi viết những dòng này trong tâm thế của một người vừa “chiến thắng” trong “cuộc chiến” không mong muốn. Một trải nghiệm mà thực tâm tôi không nghĩ ai đó phải chia sẻ với mình, mà chỉ để tự nhủ rằng, những “kinh nghiệm” qua nửa năm “lăn lóc” điều trị tại BV K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về những “K nhân” như tôi.
Hỗn loạn tâm lý
Bạn sẽ nghĩ gì khi biết mình đang mang tế bào K? Nhiều lắm đấy! Đầu tiên sẽ là “Sao lại thế?”, rồi “Sao lại là mình?”...!
Xin thưa rằng, cơ chế mắc bệnh K có rất nhiều, do di truyền, môi trường, sinh hoạt... Song đáng tiếc, nhiều người lại không được tầm soát bệnh sớm, chỉ đến khi có những triệu chứng rõ rệt mới đi khám, dẫn đến tâm lý hoảng loạn, suy sụp. “Mình sắp chết. Vợ con nheo nhóc. Phải bán nhà, vay mượn để chữa bệnh…”- những suy nghĩ quẩn quanh đó cứ đeo bám những người mắc phải căn bệnh này. Thậm chí, các “K nhân” sẽ bị hỗn loạn, hoang mang trong mớ thông tin, nào là người này đã khỏi, người kia chữa không được, phải đến ông lang này, bà lang kia… Với con số 100.000 người Việt Nam mắc bệnh mỗi năm cũng như số người chết vì ung thư đọc được trên báo chí… thấy số người được chữa khỏi rất khiêm nhường, khiến không ít “K nhân” càng thêm lo lắng.
Tế bào K chưa diệt được tận gốc, vì bản thân nó mất khả năng nhận lệnh “chết”. Các tế bào già sẽ thường nhận lệnh này, để cho tế bào mới sinh ra. Riêng “thằng” K này cứ “sống nhăn ra”, cạnh tranh thực phẩm với tế bào bình thường, bành trướng và chèn ép, chen lấn để ngày càng phát triển nhanh. Thuốc để “giết thằng quên chết” này, tôi tin rồi đến một ngày nào đó sẽ có. Còn hiện tại, tôi vẫn phải bằng lòng với phương pháp hóa, xạ trị truyền thống đang áp dụng, đồng nghĩa với việc chấp nhận tổn thất hy sinh một phần tế bào lành của cơ thể, để làm chậm quá trình phát triển của “thằng K”.
“Cuộc chiến” tâm lý
Chẳng có kinh nghiệm nào cho bạn. Sự lựa chọn đúng đắn là hãy bình tĩnh, tỉnh táo suy xét tình hình, lựa chọn phương hướng giải quyết tối ưu, động viên chính mình và người thân để “chiến đấu” với K.
Đã có người nói với tôi rằng, có gì mà khóc lóc, kinh khủng hóa vấn đề, bởi bao bệnh nan y khác còn khủng khiếp hơn, cùng lắm là chết và ai chả phải chết... Những lời “động viên” đó quả đúng, bởi vì bạn không phải là “K nhân”. Những gì xảy ra trong quá trình điều trị sẽ khiến bạn cảm thấy “sống không bằng chết”, còn dễ chịu hơn nhiều so với “cuộc chiến” tâm lý này.
Thậm chí, bạn luôn có tâm trạng của một “tử tù” đã được tuyên án. Nhưng trớ trêu thay, những “tử tù” này lại không biết vì sao mình phải chết, bao giờ chết, chết như thế nào? Chính vì thế, bề ngoài bạn vẫn phải tỏ ra bình thường, thậm chí lạc quan để động viên người thân, gia đình, bạn bè, nhưng bên trong là cả một “cuộc chiến” tâm lý gai góc, nhức nhối không thể giải tỏa.
Cũng chính vì vậy, cứu cánh duy nhất cho bạn lúc này là nghĩ đến việc đi chữa bệnh theo hướng tích cực, chứ không phải “còn nước còn tát”, phó mặc buông xuôi số phận. Tôi vốn mạch lạc, cái gì cũng phải được thỏa đáng, thì chết cũng... vui. Tôi không có mặc cảm gì với Đông y, thậm chí tôn sùng, cấp bách lắm mới dùng Tây y, nhưng trong trường hợp này, bắt mạch, thuốc lá... tôi không thỏa mãn. Tôi phải biết tại sao mình mắc ung thư, loại tế bào ung thư gì, to hay nhỏ, nhiều hay ít, cấp độ mấy, phương pháp chữa thế nào, khả năng thành công là bao nhiêu; và điều cuối cùng mới là… bao giờ chết?
Trả lời những câu hỏi đó, tôi tìm đến Tây y. Vì Tây y có xét nghiệm máu, tế bào, sinh thiết, chiếu chụp, nội soi, CT, MRI, PET… đầy đủ, để khẳng định câu trả lời cho tôi là đúng. Rồi, khi đi chữa, bạn lại phải đặt ra chữa ở đâu, tiền ở đâu, thời gian, công việc bố trí thế nào, ai chăm sóc, thuê chỗ tá túc trong thời gian chữa... Đây cũng thực sự là “cuộc chiến” khốc liệt!
Thực tế cho thấy, kết quả điều trị cho cùng một mức độ bệnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Có người thành công, song cũng không ít người thất bại. Nguyên nhân phụ thuộc phương pháp chữa, tâm lý và cơ địa, sức khỏe người bệnh, sự phối hợp với bác sĩ, sự kiên trì của chính bạn...
Một anh bạn nói rất đơn giản với tôi là: “Mày sống bừa phứa, bia rượu bạt mạng, hút thuốc vô đối… bây giờ tất yếu mày phải cảm thấy “hứng thú” uống thuốc, hóa, xạ trị, thực hiện các thủ thuật.... để chữa bệnh”.
Vâng, đúng quá, vay phải trả, sướng trước khổ sau là công bằng!
Vậy thì vui vẻ chữa bệnh. Bạn sẽ trải qua rất nhiều xét nghiệm, thủ thuật, tiếp xúc với máy móc thiết bị, sự tư vấn, thăm khám của y bác sĩ. Do đó, lúc này, bạn cần phải cực kỳ tỉnh táo và kiên quyết với bản thân và không được sợ. Với một thằng 47 tuổi như tôi khi tiêm vẫn tái nhợt mặt, uống 2 viên thuốc vẫn ọe lên ọe xuống thì giai đoạn này nhớ đến già. Tôi trải qua hết nhờ câu thần chú “Bộ đội thế là thường”- tôi thực sự muốn trải nghiệm “cuộc chiến”…
ung thư vì hút thuốc lá
 
tác hại thuốc lá

Lúc này, bạn cũng phải phản ứng với các tình cảm trái chiều của người thân, bạn bè. Quý nhất lúc này là những người thực sự chờ mong bạn khỏi bệnh. Đó là người nhà chăm sóc bạn hàng ngày, là người thân cầu trời khấn phật, ông bà tổ tiên phù hộ cho bạn, là những người bạn đôn đáo tìm mối quan hệ cho bạn gặp thầy gặp thuốc, vận động quyên góp tiền bạc và động viên tinh thần giúp bạn yên tâm chữa bệnh, là đồng nghiệp chia sẻ gánh vác công việc ở cơ quan, lo chế độ chính sách ưu tiên cho bạn, là những người bạn chưa từng quen biết nhưng luôn có mặt trên facebook để chia sẻ từng cung bậc cảm xúc của bạn, là các y bác sĩ “mắng mỏ” bạn như con cái khi bạn tỏ ra nản lòng, là bà bán nước giấu điếu cày không cho bạn hút, là chú xe ôm lấy giá hữu nghị, là anh thương binh chịu khó đi bộ buổi sáng chậm rãi cùng bạn cho vui... Đó chính là những liều “đô-ping” giúp bạn cảm thấy mình không đơn độc trong “cuộc chiến” sinh tử.
bệnh ung thư


Phần 2: Cú sốc bất ngờ
*******

Trong kỳ 1 của bài viết, các bạn đã cùng tôi trải nghiệm tâm lý khi biết mình đã mang tế bào K. Cũng phải nói thực lòng, dù đã chuẩn bị kỹ như thế, nhưng những gì chờ đón tôi ở Viện K mới thực sự thử thách bản lĩnh của mình.
Mày có “K” rồi!
Ngược trở lại 6 tháng trước. Vào một buổi sáng, khi rửa mặt, nhìn vào gương thấy bên cổ nổi lên một cục to bằng quả cà, sờ thấy rắn. Quái dị, hôm qua chưa có gì, nay lại nổi u cục là sao?... Alô cho chú em là bác sĩ, nó hỏi vài điều đại loại đã lâu chưa, có thấy đau, ho, sốt, khạc ra máu không... rồi bảo tôi “phi” vào viện ngay.
Đón tôi ở cổng viện với vẻ mặt chả hứa hẹn điều gì tốt lành. Lên siêu âm... Hai ông bác sĩ thì thào gì đó, toàn từ chuyên môn… Rồi thằng em kéo tôi xồng xộc ra phòng khám tư của ông bác sĩ già gần đó. Ông bác sĩ vừa hỏi chuyện, vừa chọc cái kim tiêm vào chỗ sưng, ngoáy ngoáy, hút hút... làm tôi toát cả mồ hôi lưng. Chờ 30 phút quay lại, ông bác sĩ hỏi “Năm nay bao nhiêu tuổi?”. “Dạ, em 48 sang năm 49 tuổi mụ ạ!”. Ông gật gù: Chưa chết được, chỗ thân tình, mày cũng dạng bản lĩnh, lên Viện K ngay còn kịp. Mày có “K” rồi, tao đồ K vòm họng di căn…
Choáng. Sốc. Hình ảnh mấy ông bạn vong niên đã “ra đi” vì K hiện lên! Quả này toi rồi, hạn 49 đây... Sau khi lùi ra góc phòng làm “bi” thuốc lào, định thần lại mới alô cho thằng em. Nó nói luôn, ra xin nghỉ việc đi, sáng mai em đưa lên Viện K…
Về đến nhà đã thấy vợ chồng đứa em gái và vợ con mình đang khóc sưng mắt, quáng quàng thu dọn gói ghém, thi thoảng len lén nhìn mình. Mà mình đã chết đâu! Đi thì đi. Bụng nghĩ, song miệng thì… á khẩu. Mà lạ thật! Một thằng từng khuyên giải mọi người, hùng biện, “chém gió” phần phật... mà giờ cứ đơ ra, bí từ không thể tả nổi...
Quang Thắng

Đang yên đang lành, giờ tất tật thành ra dở dang, dồn hết vào cái bệnh này. Đau quá, mà không chữa thì không được, lại bảo tiếc tiền hơn tiếc đời, mà chữa thì khả năng cao là không khỏi hẳn, tốn kém vô cùng. Trông cậy vào mỗi cái nhà, bán đi thì vợ con chỉ có nước ra đường…
gia đình anh Phạm quang thắng

Vậy đấy, cái “thằng” K nó dọa nạt người ta thế đấy, nó không cho ai cách lựa chọn, nó hành hạ thể xác và tinh thần người ta không thương tiếc. Nó hả hê khi thấy đời mình xuống dốc... Tôi tin rằng, ai lúc đầu biết mình có “K” chắc cũng trải qua những trạng thái tâm lý này...
Vào “thế giới của những K nhân” 
Bước vào cổng Viện K, hình ảnh đầu tiên là rất đông người xếp hàng. Hỏi cũng được tận tình chỉ chỗ xếp hàng cho bệnh nhân có BHYT. Kệ thằng em chờ đợi, mình là “K nhân” cơ mà…
Tranh thủ la cà khám phá ra điều thú vị. Đó là ở đây có 2 dạng, một là ngờ nghệch như mình- chứng tỏ vừa vào viện; còn lại toàn “giáo sư biết tuốt” là những bệnh nhân và người nhà đã có kinh nghiệm điều trị tại đây. Họ biết nhiều, biết rõ và rất nhiệt tình. Già, trẻ, lớn, bé... ai nấy đều vô tư và cam chịu, đa phần đầu trọc lốc. Tự dưng lại thấy lóe lên chút lạc quan, mình còn khỏe chán... còn đi lại được, còn cười được và... còn tóc.
Khâu khám bệnh tương đối dễ vì gọi tuần tự theo số, không phải chen lấn. Ấn tượng nhất là bác sĩ sinh thiết. Mấy bác “biết tuốt” bảo, sống chết, lành dữ là ở ông này đấy nhé, chú ý vào… Đúng là khi ngồi đối diện với bác sĩ sinh thiết, phần hồn chắc còn phân nửa. Đã thế, ông bác sĩ vui tính lại bồi thêm “Sao ông lên muộn thế, to tướng rồi, tuần trước vừa tiễn 2 ông như này về nhà...”. Há mồm. Thè lưỡi. Xịt tê. Lùa ống vào họng... “Xong rồi, còn ì ra đấy làm gì”- đang tưởng “chết đứng” phần còn lại, thì ông bác sĩ cười nhắc…
Suốt gần tuần lễ, cảm giác trong người cứ bồng bềnh. Giờ tuyên án đã điểm: Ung thư thanh quản- hạ họng- M hạch cổ. “Thế là…”, lời cầu khấn mong ông bác sĩ chẩn đoán nhầm đã không hiệu nghiệm…
Tiếp đến, lại được chuyển đến Khoa Ngoại thần kinh mổ lấy bệnh phẩm, làm sinh thiết. Rồi lại chuyển Khoa Nội làm hóa xạ trị. Ở đây ai cũng là “tỉ phú thời gian”, mỗi lần chuyển lại phải “chờ” và nghe “tuyên”. Liệu trình 1: 40 mũi xạ, tuần 5 mũi, 2 giờ sáng. 3 lượt hóa chất, mỗi lượt cách nhau 20 ngày. Xạ đêm có cái hay là mùa Hè đi lại mát hơn, dở là ca 0-6 giờ sáng nên khỏi nghĩ chuyện ngủ.
Xạ 5 mũi đầu, vui như Tết, chả đau đớn gì, phòng mát rượi, ngồi chờ có tivi. Đông người cũng vui. Đủ chuyện hỉ nộ, ái ố... Vài ngày sau bớt hào hứng dần. Tự nhiên nấc, khỉ gió, ai nhắc nhiều thế nhỉ? Ngày nấc, đêm nấc... cứ như trong truyện “Những người thích đùa” của Azitnexin. Chán chả muốn ăn. Một mùi ngai ngái rất khó chịu ngửi đâu cũng giống nhau, ọe lên, ọe xuống. Vợ bảo: “Giờ biết ngày xưa em ốm nghén chưa”. Biết cái khỉ gió, bà nghén chân gà gặm 2 chục cái, cá mực nửa cân nhạt toẹt. Tôi giờ ngửi mùi bà cũng sợ đây này... Lại còn nóng ruột, táo bón... Mệt. Không muốn mở mắt, nhấc chân tay. Không muốn cả thở nữa. Ngày nằm, đêm thức chờ xạ “đều như vắt chanh”.
Tuyến nước bọt “đình công”, miệng khô rát, uống nước cũng đau, đêm nóng bật điều hòa khô họng lại ho... Vợ lại bảo giống ho mọc tóc. Kệ, không cãi, mà cũng không còn sức mà cãi. Nhưng “uất” lắm! Thấy mình không nói được, nên thi thoảng vợ lại dọa “Bác sĩ bảo không ăn thì không đủ hồng cầu bạch cầu, không truyền đợt tiếp được, bỏ lâu phải truyền lại từ đầu...”.
Oái oăm thay, “thằng hóa chất” nó làm thay đổi đồng hồ sinh học, tâm sinh lý, chức năng của các giác quan... Chưa đủ, nó còn bắt giả chết nữa. Cứ thế, xạ, truyền, xạ, truyền… Da cổ xạm đen, cháy dần, lột hẳn... Lại cháy lại lột... Bình thường cân nặng bằng bao xi măng, giờ chỉ còn 39 kg, thanh mảnh, tưởng gió thổi… bay được.
Hết đợt “hành xác”, nghỉ 1 tháng, lại lên kiểm tra đánh giá... Lại sốc khi bác sĩ bảo: “Di căn hạch, truyền tiếp”. Vâng, khỏi cần tả mọi người cũng biết tâm trạng của người “sống không bằng chết”. Đến lúc này, mặc kệ, chịu được bằng này thì thêm nữa chả sao!.
Thế rồi “ở liều gặp lành”, cuối cùng cũng được bác sĩ Trưởng khoa Nội gọi trao cho cái giấy hẹn “khám lại” để về “tái hòa nhập cộng đồng”.
Gia đình Quang Thắng


Phần 3: Đồng hành để chiến thắng
*******

“Nhà nghèo bệnh trọng”- câu nói dân gian như ứng với gia đình các “K nhân”. Trong quá trình điều trị tại K3, tôi nhận ra đa phần bệnh nhân ở đây đến từ những tỉnh thuần nông, vùng kinh tế còn khó khăn như: Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nam, Thái Nguyên... Thật may, trong lúc khó khăn nhất ấy, nhiều người đã nhận được sự chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ và đặc biệt là sự “đồng hành” của BHYT.
Nơi ấm tình người
Đặc điểm của điều trị K là phức tạp, kéo dài và rất tốn kém. Phức tạp ở đây muốn nói đến là phải làm rất nhiều xét nghiệm, thủ thuật, phải sử dụng đến máy móc hiện đại, công nghệ cao, thuốc điều trị là biệt dược đa phần nhập ngoại. Một số loại thuốc không mua được ngoài thị trường hoặc có cũng rất đắt. Những thiết bị y tế đặc biệt để hỗ trợ điều trị bắt buộc phải sử dụng rất nhiều- gây khó khăn không nhỏ cho gia đình các “K nhân”.
Khoan bàn về chuyện tốn kém, bởi khi bạn đã được điều trị, nghĩa là cơ hội sống được đảm bảo kéo dài. Tôi muốn đề cập đến cái thiết thực hiện hữu mà thiếu nó có nguy cơ “chết ngay”, đó là chuyện ăn ở. Một vấn đề phổ biến tại các BV hiện nay là thiếu giường bệnh. Mặc dù K3 là BV mới được đầu tư xây dựng, bổ sung thêm khá nhiều giường bệnh, nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Cũng đúng thôi, cả khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ dồn hết về 3 cơ sở của Viện K, số người mới phát hiện có K đang phát triển “phi mã” cũng khiến tình trạng quá tải thêm trầm trọng nên đa phần bệnh nhân đăng ký ngoại trú.
Ở Tân Triều, dịch vụ cho thuê phòng trọ khá đa dạng, phong phú cả về hình thức và giá cả. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện bỏ ra vài chục ngàn trở lên cho mỗi ngày trọ, khi thời gian chữa bệnh kéo dài vài tháng. Do vậy, hình ảnh quen thuộc là nhiều người phải trải chiếu ăn, ngủ cả ngày lẫn đêm ngay tại sảnh tầng 1 của BV. Hình như BV cũng “thấu cảm” nên không quá khắt khe trong việc này. Âu cũng là nhân văn, là sự cảm thông với những phận đời không may mắc bệnh trọng…
Các “K nhân” rất cần phải bổ sung năng lượng để đáp ứng sức khỏe cho điều trị. Anh bạn đồng cảnh quê Yên Bái điều trị trước tôi khá lâu, hóa xạ trị cùng đợt, đau yếu giống nhau. Đến giờ ăn, ra căng-tin thường thấy anh gọi một đĩa, đến ngồi cạnh tôi ăn quấy quá rồi gọi vợ vào ăn nốt. Khi đã thân tình, tôi mới biết hoàn cảnh anh rất khó khăn, vay mượn khá nhiều, khó có khả năng chi trả. Một hôm, vì cùng đau cổ do xạ, khó nuốt, nên tôi và anh chia nhau suất cơm, chị nhà từ đó được ngồi chung ép chồng ăn, anh chị lấy làm cảm kích lắm.
Một anh bạn Thanh Hóa nghiện thuốc lào, chuyên ngủ hành lang gần phòng xạ. Anh kể mới đây đi đào vàng trúng quả, đang định đầu tư trang trại thì phát bệnh. Điều trị còn dài, nên đợt này anh ra có một mình, tự chăm sóc cho đỡ tốn kém. Anh khoe: “Tao vừa đầu tư quả màn chụp, mấy hôm nay nhiều muỗi quá, đêm xạ xong chui vào ngủ với tao, đỡ phải đi lại”. Hay anh bạn Hà Nam, hình như mới mất, do ăn uống thất thường, không đủ hồng cầu nên không thể truyền hóa chất tiếp. Bệnh nặng hẳn, anh xin về chữa Đông y rồi “tưng nao thì tưng” như anh nói. Những hoàn cảnh trên một phần do “nhà nghèo bệnh trọng”, nhưng lý do chính là tiền bạc đã đổ hết vào việc KCB, nhanh như đốt vàng mã, mà lại không có BHYT.
bệnh nhân ung thư

Ân nhân của những “K nhân”
Nhân đây, tôi cũng muốn nói đến sự đồng hành của một lực lượng đặc biệt, bình thường ít người chú tâm, vì chưa nhận thấy tầm quan trọng, thậm chí còn coi là phiền toái... Đó là tấm thẻ BHYT. Bản thân tôi là công chức nhà nước, tham gia BHYT là bắt buộc. Trước đây, do sức khỏe ổn định, thỉnh thoảng cảm cúm lặt vặt, cộng với tâm lý rất sợ “gặp bác sĩ”, nên chưa từng sử dụng thẻ BHYT. Nhưng lần này thì khác, không có BHYT thì có mà… chết toi như chơi.
Như nói ở trên, thiết bị điều trị K rất đặc biệt, phải nhập ngoại, nên giá thường tính bằng đô la Mỹ. Đơn cử như mặt nạ để chụp CT SIM mô phỏng cho tôi giá hơn 1 triệu, thuốc kháng sinh dùng trong mấy ngày bấm sinh thiết cũng vài trăm ngàn, đạm, dịch truyền... lặt vặt nhiều vô kể. Chỉ vài thứ đó cũng đã ngốn hết vài triệu đồng. Nếu bạn đã một lần đưa người thân đi chiếu chụp, chắc đã biết chi phí cho những thủ thuật đó. Và tôi đoán rằng, bạn cũng đã phải lo lắng với những hóa đơn thanh toán.
Ở Viện K, đó chỉ là chuyện nhỏ. Từ khâu khám đến điều trị là cả một chuỗi vô kể các xét nghiệm, thủ thuật bạn phải hoặc được làm. Khám, làm một loạt. Điều trị, làm bổ sung, sau một thời gian làm lại để kiểm tra cho giai đoạn mới. Hết một đợt, làm để đánh giá... Mà toàn loại khủng, CT cản quang 32, 64, 128 lớp, CT SIM, chưa kể những loại khủng hơn từ vài triệu đến vài chục triệu cho một lần chạy như MRI, PET... Còn bao nhiêu thuốc men, dụng cụ y tế, hóa chất... mà bạn sẽ phải chi trả cho khám và điều trị. Điểm tựa cho bạn lúc này là BHYT. Bình thường như tôi sẽ được hỗ trợ 80%. Đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách... được BHYT hỗ trợ 100% chi phí KCB. Quả là tuyệt vời, phải không!
Anh bạn Hòa Bình xuất viện cùng đợt cho biết, anh vừa thanh toán cho 3 liệu trình điều trị là 87 triệu đồng (20%), chứ nếu là 100% sẽ phải xấp xỉ 450 triệu đồng. Chà chà... một con số khủng khiếp so với đồng lương công chức của tôi.
 
Phần 4: Ngôi nhà của các K nhân (kỳ cuối)
*******

Trong thế giới đầy rẫy những mất mát đau thương, hay trên MXH ảo tung chảo những lọc lừa, cướp giết hiếp, tiền tình tù tội... thì ở viện K nói chung, K3 nói riêng, vẫn có một góc nhỏ thân thương, đậm nét nhân văn, đầy "tình thương nhân loại bao la" mà nhiều người chưa được biết đến. Một xã hội thu nhỏ với đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, nhiều hoàn cảnh, đến từ các địa chỉ khác nhau, quy tụ về đây với chung một ý chí kiên cường: chiến đấu với bệnh K hiểm ác. 
Nghe kinh vậy, nhưng vui lắm nhé, xin được hầu các bạn vài chuyện.
Điều đầu tiên sẽ khiến bạn ngạc nhiên là ở bv K toàn người... Khỏe.
Chả có nhẽ... Đừng hoang mang cho tổn thọ vì câu chuyện thực sự là thế đấy.
Vào K3, bạn sẽ chẳng dễ phân biệt ai bệnh nặng hơn ai. Người đi lại nhộn nhịp, di chuyển phăm phăm, cầu thang máy, thang bộ chen vai thích cánh cho kịp giờ khám chữa. Đông vui lắm, du xuân chùa Hương hay Yên tử cũng chỉ thế là cùng. Vừa leo thang bộ vừa đọc thơ, tụng kinh niệm phật, trao đổi điện thoại ríu ran, toàn lời nhắn gửi yêu thương có cánh. Trêu chọc nhau đủ kiểu, mà toàn ông bà đầu tóc nham nhở, trên người dây dợ lằng nhằng, chai lọ lỉnh kỉnh... Còn đeo cả bom, bom thực, gọi là thế mà...quả bom dành cho những K nhân "sành điệu", hóa chất truyền thanh đạm như mọi người không ăn thua, mấy nhân này "chơi thuốc" liên tục mấy ngày liền cơ, bom đút túi quần, đeo tai nghe, miệng lẩm bẩm My love ...nom sang lắm. 
Cũng lạ, ở nhà thấy yếu hơn cả... Vk, yếu lắm... Thế mà vào đây luôn thấy ta khỏe hơn... tay bên cạnh.
Thì đấy, trừ mấy nhân đang "chết lâm sàng", hay đang vật vã đóng bỉm truyền hóa chất, tệ hơn là mấy nhân ríu rít chào hỏi để "về chết đây, hết thuốc rồi " ...thì ai cũng có cảm giác người bên cạnh bệnh nặng hơn mình.
_ Truyền mấy đợt rồi... Xạ được bao nhiêu mũi... Mổ chưa...độ mấy?... Muỗi, đây 4B rồi, vài chục lần truyền, mấy mươi mũi xạ, phẫu vài chỗ rồi... Khỏe lắm, éo thấy xi nhê gì...Hóa chất dùng đợt này thế quái nào phấn chấn ra, vk, bồ khen lắm 
Kinh không?!
Quán nước đầu cổng luôn chật như nêm, khói thuốc lào, thuốc lá mù mịt như lò đốt mã, xanh mướt một màu áo bệnh nhân. Vào cổng rồi có được hút khối, lên phòng rồi, xuống được cầu thang cũng tướt bơ... Tranh thủ rít đê, rít mạnh vào, đằng éo lào chả đang chữa bệnh ...
Lỉnh kỉnh là mấy ông vác nước, bà xách cháo. Từ hôm có nhà hảo tâm công đức cho bệnh viện cái máy lọc nước, lúc nào cũng thấy hình ảnh một vài nhân lẻo khoẻo mà xách 3-4 can 5l đầy ặc. Lấy hộ cho cả phòng mà, mấy người kia... yếu hơn không đi được. Mấy bà thì cháo nóng vài túi ni lông, thêm mấy cặp lồng nữa vô tư, cũng mua hộ tiện chuyến hạ sơn, vừa đi vừa hô "xe chở cứt, nước sôi đây ... " để mọi người tránh xa, lừa được ối người.
Rồi là ăn khỏe. Một bệnh dạng "tự kỷ ám thị " của các K nhân là thiếu máu, máu không đủ hồng cầu, bạch cầu để đáp ứng điều trị. Chả thế, toàn là hóa xạ trị, kháng sinh, phóng xạ mấy tháng trời còn gì là người. Chưa kể cơm hàng cháo chợ, đối với K nhân ăn gì cũng giống nhau là chẳng thấy ngon. Làm gì có mùi vị, hóa chất nó lừa cho các giác quan "chạy" sai hết cả. Mít, chuối chua loét như chanh, sinh tố dưa hấu, xoài mặn bỏ mẹ... là chuyện thường tình.
Nhưng không ăn là nhục đấy, kích cầu hàng tuần, vài triệu một mũi, còn kích nát người không lên nổi kia...Nốc đi...chén mạnh vào cho có sức, ăn tạp vào. 
Thế mới có chuyện trong phòng truyền dịch, người nhà không được vào nhưng chuẩn bị chu đáo lắm, ngồi cả ngày ôm cột cơ mà. Bánh mì ở đây dài hàng mét, trứng luộc bán đầy, rồi kẹo dồi Nam định, bánh gai Hải dương, bánh cáy Thái bình...thập cẩm mang lên, mời nhau lúc vạ vật chờ hết dịch truyền. Vừa ăn vừa tả hương vị cho nhau, tán thêm đủ chuyện cho dễ nuốt, vì dây dợ lằng nhằng, kim chích đầy mình thì cơm cháo gì, thành ra ăn tốt. Đồng bào dân tộc thiểu số khá đông, phong tục tập quán khác nhau, dần dà như nhau tất. Một bản nọ, ma quỷ thế nào mà có K nhân mời thầy mo cúng bái mãi không khỏi bệnh, xuống viện, khai với bác sĩ do thầy mo cấm ăn thịt nên suy nhược cơ thể, bệnh nặng ra. Thời gian sau thấy ông Mo lò dò xuống nhập viện cùng vì... cũng dính K. Giờ thì 2 vị này ăn bạo lắm, nhất là thịt chó vì từ trước đến nay cứ phải kiêng, không biết hương vị nó ngon thế này. Thôi, chén đã, nao về lại kiêng.
Rồi ngủ rất ngon nhé. Người qua người lại rầm rầm, trò chuyện rôm rả thế mà vẫn ngủ được. Tác dụng phụ của thuốc đấy, người cứ lả ra, chỉ muốn nằm, lúc nào cũng nhắm mắt thiu thiu đi được. Tôi đã nằm cùng giường một ông, 3 ngày liền không hỏi được tên vì ông ấy ngủ suốt. Cả lúc chọc kim cũng thấy ổng mơ màng, còn ăn thì No problem, dùng ống xông trực tiếp dạ dày nên muốn bơm gì thì bơm, để nguyên cho ông ngủ.
Đại loại thế. 
Còn sinh hoạt thì thương nhau lắm nhé. Chẳng mấy câu nệ tuổi tác, vì K nhân không có tuổi. Có bác già 12 năm nay truyền hóa chất, xuống viện thành tinh, chả sao, cứ vui thôi, bao giờ không truyền được nữa là chết. Cứ khỏe, giúp đỡ người nọ người kia, thanh niên còn chạy theo không kịp. Trong giờ hành chính chỉ có bệnh nhân trông nhau, y tá, điều dưỡng chạy đi chạy lại nên phải tương trợ nhau mọi việc, thân thiết, gần gũi như người trong gia đình.
ung thư giai đoạn cuối

Thế đấy các bạn ạ, trong ngôi nhà của các K nhân đầy ắp những câu chuyện buồn vui mang nặng tình người. Dẫu biết rằng mình là bệnh trọng, án tử đang treo, hàng ngày hàng giờ căng mình chiến đấu với bệnh tật, với chính bản thân, thì ẩn sâu trong những con người đó là ý chí của người chiến sĩ đang cùng nhau trong trận chiến. Họ yêu thương, gắn bó, san sẻ, động viên nhau chiến đấu, có mất mát, có đau thương nhưng không gì khuất phục, làm dao động được họ trong cuộc chiến không tiếng súng mà vẫn đầy bi tráng, hào hùng giành giật cho mình và cho nhau sự sống. Cùng với sự phát triển không ngừng của y học, sự quan tâm đầu tư trang thiết bị của nhà nước, chính phủ...cuộc chiến khắc chế căn bệnh ung thư đang ngày một sáng sủa, tạo ra cơ hội lớn cho các K nhân, những con người không may mắn với bệnh tật nhưng tràn đầy năng lượng sống. Cuộc sống đang chào đón họ./.
Thế đấy một K nhân như tôi vẫn luôn cần có sự lạc quan đặc biệt là tận dụng tranh thủ từng phút giây để làm thêm nhiều điều có ích kẻo không còn nhiều thời gian nữa rồi. Để trở nên là một K nhân cũng vì xưa nay đam mê thuốc lá, thuốc lào một cách vô tội vạ và coi như giờ đây nó đã vận vào thân rồi. Tôi mong rằng tất cả những ai đọc được những dòng tâm sự này hãy khuyên nhủ mọi người xung quanh thậm chí chính bản thân mình hãy tránh xa chất độc giết người từ từ trong thuốc lá mà ta vẫn hả hê hút hay hít phải hàng ngày. Vì chính thuốc lá khiến cho mọi việc chúng ta làm không còn được trọn vẹn. Vợ, con, người thân… đều vì sự dang dở ấy mà thêm vất vả, điêu đứng… nếu còn chưa muốn nói tới hai từ “nheo nhóc” nữa cơ… Đau lắm, uất nghẹn lắm nhưng thôi âu cũng là thiên định rồi. Tôi mong mọi người hãy sống tốt, sống lành mạnh, sống có ích cho gia đình và xã hội. Chào thân ái những người ở lại!
Ung thư độ 4

Kết thúc loạt bài viết này, tôi hy vọng đã cung cấp cho các bạn một cái nhìn bao quát về một “đối tượng xã hội” đặc biệt- đó là các “K nhân”. Bài học rút ra cho tôi, là ngoài ý chí, nghị lực của bản thân, sự nhiệt tình của các y bác sĩ, thì bạn còn phải có sự hỗ trợ đắc lực, hiệu quả của người thân, bè bạn và đặc biệt đừng quên tham gia BHYT. Chúc các “K nhân” như tôi có sức mạnh, ý chí và niềm tin trong quá trình điều trị bệnh. Mong rằng các bạn cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình, giúp cộng đồng có một cái nhìn toàn cảnh về “cuộc chiến” khắc chế căn bệnh ung thư đầy cam go và thử thách.
Đây là những dòng tâm sự cuối cùng và có lẽ tôi không còn có thể viết thêm gì được nữa. Lời cuối cùng và cũng là những gì tôi muốn gửi gắm lại đó là: Mong bình an đến với tất cả các bạn.

Chào thân ái!
Phạm Quang thắng


Bằng chính thảo dược giúp cai thuốc lá hãy cùng Nhà Thuốc Thanh Nghị xóa bỏ lỗi lo ung thư do hút thuốc lá.
cai thuốc lá thanh nghị
cai thuốc lá thanh nghị
 
cai thuốc lá thanh nghị
Cai thuốc lá Thanh Nghị
Cai thuốc lá Thanh Nghị

Tin bài mới: Cai Thuốc Lá Thanh Nghị Giả Hoành Hành - Cách Phân Biệt Hàng Giả
Tin bài mới: Hiệu quả của cai thuốc lá Thanh Nghị
Tin bài mới: 
Cách Đặt Mua Nước Súc Miệng Cai Thuốc Lá Thanh Nghị
Tin bài mới: Tâm sự của người muốn bỏ thuốc lá

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thảo luận
Chứng nhận sản phẩm
Đăng ký mua sản phẩm
Địa chỉ nhà thuốc
- Buôn Phơng, Xã EaTul, Huyện Cư M'gar, Tỉnh Đắk Lắk
- Chi nhánh chính có trụ sở đặt tại : Bắc Giang, Thái Bình
- Website :  https://caithuocthanhnghi.vn
Chat hỗ trợ
Chat ngay
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây